Vitamin B là gì? Vai trò của vitamin nhóm B đối với cơ thể

Vitamin luôn đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động chức năng của cơ thể. Các loại vitamin đều rất cần thiết trong việc bảo vệ và duy trì sức khỏe của con người. Mỗi loại vitamin đều có những công dụng và vai trò khác nhau.

Trong đó, vitamin B là một chất đặc biệt quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Chúng đóng vai trò rất lớn cho sự tăng trưởng và phát triển một loạt các chức năng của cơ thể, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và các chất cần thiết khác. Vậy cùng tìm hiểu xem vitamin B là gì và công dụng tuyệt vời của chúng nhé!

Vitamin B là gì?

Vitamin B là tên gọi để chỉ một nhóm các vitamin hòa tan trong nước có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của các tế bào. Các vitamin nhóm B từng được cho là một loại vitamin duy nhất và thường được gọi chung là vitamin B.

Vitamin B là một trong những loại vitamin thiết yếu của cơ thể. Vitamin là những thành phần quan trọng giúp chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, tuy nhiên chúng ta không thể tự sản xuất ra vitamin. Vì vậy, cách để cung cấp vitamin cho cơ thể là qua những thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin hoặc các thực phẩm chức năng có bổ sung các loại vitamin.

Vitamin được phân ra thành 8 loại thuộc nhóm B. Mỗi loại vitamin trong nhóm B này đều có những chức năng và công dụng khác nhau, đồng thời chúng cũng kết hợp với nhau để giúp cơ thể khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tìm hiểu một số loại vitamin phổ biến nhất đối với sức khỏe con người.

  • Vitamin B1

Còn được gọi là thiamin – là một dẫn xuất có chứa lưu huỳnh của thiazole và pyrimidine. Thiamin tan trong nước và được sử dụng trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Thiamin có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp chúng ta tiêu hóa và chuyển đổi các loại thực phẩm chúng ta ăn bằng cách biến chất dinh dưỡng thành năng lượng có thể sử dụng dưới dạng adenosine triphosphate (ATP).

Vitamin B1 có công thức hoá học C12H17N4OS, được tìm thấy đầu tiên trong 8 loại Vitamin B tổng hợp gồm: B2 B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12. Vitamin này đóng vai trò là một coenzyme được cơ thể sử dụng trong quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, duy trì chức năng tim mạch và thần kinh. Loại Vitamin này tồn tại ở dạng tinh thể màu trắng, rất nhảy cảm với nhiệt độ, phân hủy khi nấu chín, hàm lượng không thay đổi khi được trữ đông lạnh, được hòa tan trong nước.

  • Vitamin B6

Còn gọi là pyridoxine, là một trong những vitamin có trong họ vitamin B phức tạp (Vitamin B-complex). Vitamin B6 gồm một số dẫn xuất, bao gồm pyridoxal, pyridoxal 5-phosphate và pyridoxamine. Các hợp chất này đều liên quan đến nhiều chức năng sinh học của thần kinh, tuần hoàn, thể chất. Vì vậy bạn sẽ thấy mệt mỏi và khó chịu khi thiếu vitamin B6. 

Vitamin B6 là một loại vitamin nhóm B tan trong nước, hoạt động như một coenzym giúp chuyển hóa tryptophan thành niacin. Vitamin B6 là chất tham gia trong sự chuyển hoá nitrogen, sinh tổng hợp acid nucleic.

  • Vitamin B9

Còn được gọi là acid folic. Acid folic là một dạng folate tổng hợp, mà folate cũng được gọi là vitamin B9, là một vitamin tan trong nước rất quan trọng trong quá trình sao chép, tạo DNA, hỗ trợ phân chia tế bào và tạo tế bào mới. Nó cũng giúp cơ thể sử dụng vitamin B12 và một số acid amin tốt hơn. Folate được tìm thấy tự nhiên trong các nguồn thực phẩm như trái cây, rau và đậu.

Vitamin B9 rất cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào cũng như sự hình thành của các tế bào máu. Acid folic có nhiều trong các thực phẩm như rau lá xanh, hoa quả, đỗ hạt, lê và các loại hạt, thực phẩm lên men và thịt bò,…

  • Vitamin B12

Là một loại vitamin có tính chất tan trong dầu, chứa nhiều coban nên còn có tên gọi khác là cobalamin. Nếu hiểu thuật ngữ vitamin B12 ở nghĩa rộng, thì nó chỉ nhóm cobalamin – là những hợp chất chứa Co, gồm những chất như cyanocobalamin, hydroxocobalamin và 2 thể coenzym của B12, methylcobalamin (MeB12) và 5-deoxyadenosylcobalamin (adenosylcobalamin – AdoB12).

Còn hiểu theo nghĩa chuyên biệt trong dinh dưỡng thì vitamin B12 được dùng để chỉ cyanocobalamin. Trong cơ thể người thì vitamin B12 được phát hiện ở 2 dạng chủ yếu là methylcobalamin và 5-deoxyadenosylcobalamin. Đóng vai trò quan trọng với hệ thần kinh, có lợi cho hệ tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Công dụng của vitamin B

Như chúng ta đã biết, vitamin B là một hoạt chất thiết yếu đối với cơ thể. Thiếu vitamin B sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng. Vậy vitamin B có tác dụng gì?

Chức năng của vitamin B

Vitamin B đóng vai trò quan trọng đối với quá trình trao đổi chất, hệ thần kinh, mắt, cơ bắp, các cơ quan, da và tóc. Vitamin B là nguyên liệu cần thiết trong quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và hoạt động điều hòa các phản ứng hóa học trong cơ thể của các enzyme, protein. Vitamin B có thể giảm nguy cơ đột quỵ, làm đẹp da và tóc. Bổ sung vitamin B từ thực phẩm tự nhiên hoặc các loại thuốc uống bổ sung, thực phẩm chức năng giúp giảm 7% nguy cơ đột quỵ. 

Chức năng của vitamin B1

  • Vitamin B1 ngăn chặn bệnh tê phù Beriberi, một bệnh thường gặp ở những người nghiện bia rượu.
  • Vitamin B1 giúp duy trì sự trao đổi chất lành mạnh.
  • Ngăn ngừa tổn thương hệ thần kinh, Thiamin giúp phát triển vỏ myelin, bao bọc xung quanh dây thần kinh để bảo vệ chúng khỏi bị hư hại và chết.
  • Hỗ trợ hệ thống tim mạch khỏe mạnh.
  • Tăng cường khả năng miễn dịch., tăng sự tập trung.
  • Giúp ngăn ngừa và hỗ trợ về thị lực.

Chức năng của vitamin B6

  • Vitamin B6 giúp điều chỉnh nồng độ homocysteine ​- ​​là một loại axit amin thu được từ việc bạn ăn các thực phẩm chứa protein, đặc biệt là thịt, giúp duy trì mạch máu khỏe mạnh.
  • Vitamin B6 giúp phát triển não bộ và hỗ trợ chức năng não.
  • Giúp điều trị bệnh thiếu máu.
  • Giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
  • Giúp điều trị tăng huyết áp.
  • Giảm triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Giảm ốm nghén trong thai kỳ.
  • Điều trị hen suyễn, ngăn chặn sỏi thận.
  • Điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ.

Chức năng của vitamin B9 (acid folic)

  • Vitamin B9 hỗ trợ một thai kỳ khỏe mạnh bởi Folate là một thành phần quan trọng của chế độ ăn uống khi mang thai do nó tham gia vào quá trình tổng hợp DNA và các phản ứng enzyme quan trọng.
  • Làm giảm nguy cơ ung thư.
  • Hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
  • Giúp xương chắc khỏe.
  • Bổ sung axit folic làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và có thể cải thiện hiệu quả chức năng nhận thức ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ.
  • Làm giảm triệu chứng của hội chứng “chân không yên” – là hội chứng bệnh thần kinh, biểu hiện là cảm giác khó chịu chủ yếu ở hai chi dưới, thúc đẩy người bệnh phải cử động chân để giúp giảm cảm giác khó chịu.

Chức năng của vitamin B12

  • Vitamin B12 duy trì các tế bào máu đỏ và các tế bào thần kinh, nhờ vậy giúp cho hệ thần kinh khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả.
  • Giảm nồng độ Cholesterol LDL xấu, kiểm soát hiệu quả triglycerides giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa chứng xơ cứng, xơ vữa động mạch xảy ra.
  • Ngăn ngừa các bệnh thiếu máu.
  • Điều trị các bệnh đau thần kinh và điều trị bệnh Alzheimer (hội chứng mất trí nhớ).

Nhu cầu vitamin B với cơ thể

Nhu cầu vitamin B1

Vitamin B1 có trong các loại thực phẩm như yến mạch, sữa khô, cam, quả hạch, trứng, gan bò, măng tây, các loại hạt, đậu Hà Lan, đậu… 

Đối với phụ nữ, lượng vitamin B1 được khuyến cáo hàng ngày là 1,1 mg và nam giới là 1,2 mg/ngày.

Nhu cầu vitamin B6

Vitamin B6 có trong đậu xanh, cá ngừ, cá hồi, gan bò, thịt bò xay, ức gà, rau bina, các loại trái cây và rau củ, các loại hạt và ngũ cốc.

Lượng vitamin B6 cần cho mỗi ngày là 0.5 mg (trẻ 1-3 tuổi) và 0.6mg (trẻ 4-8 tuổi). Nếu trẻ thiếu hụt vitamin B6 thì sẽ bị thiếu máu và có các triệu chứng về da như ban đỏ hoặc vết nứt quanh miệng, nghiêm trọng hơn có thể bị trầm cảm, lơ mơ, buồn nôn, dễ nhiễm trùng và viêm da.

Nhu cầu vitamin B9

Vitamin B9 có trong thịt, ngũ cốc nguyên hạt, củ cải tía, các loại quả họ cam chanh, quả bơ, cá, ngũ cốc bổ sung, các loại đậu, các loại rau xanh, gan và thận.

Lượng vitamin B9 được khuyến cáo hằng ngày là 150mg (trẻ 1-3 tuổi) và 200mg (trẻ 4-8 tuổi).

Nhu cầu vitamin B12

Bạn có thể bổ sung Vitamin B12 cho cơ thể bằng các thực phẩm thịt bò, gan, thận, tim, thịt cừu, cá, sữa, lòng đỏ trứng, phomat, cua, sò, ngũ cốc,…

Lượng vitamin B12 hằng ngày là 0.9 µg (trẻ 1-3 tuổi) và 1.2 µg (trẻ 4-8 tuổi).

Những vấn đề cần lưu ý

  • Vitamin B1

Vitamin B1 hay thiamine có vai trò trong quá trình chuyển hoá carbohydrate, mỡ, acid amine, đường, rượu. Nếu thiếu loại vitamin này sẽ giảm khả năng chuyển hóa đường (glucose) và hậu quả là giảm năng lượng.

Sự thiếu hụt vitamin B1 còn gây ra sự rối loạn trong việc dẫn truyền thần kinh, gây phù nề các tổ chức và giảm khả năng sử dụng oxy (O2) của tế bào. Cơ tim, thần kinh, gan, thận, cơ bắp… là những tổ chức có nhu cầu cao về vitamin B1. Vì vậy, nếu thiếu hụt cấp tính, triệu chứng suy cơ tim cấp xuất hiện đầu tiên, còn các triệu chứng khác xuất hiện từ từ hoặc chỉ xuất hiện rõ khi thiếu vitamin B1 mạn tính.

  • Vitamin B6

Các triệu chứng khi bị thiếu Vitamin B6 như thay đổi tâm trạng, hay quên, mệt mỏi, đau cơ, triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt tăng cao.

Sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung Vitamin B6 là hoàn toàn có thể và an toàn. Thậm chí trong một số trường hợp như viêm khớp dạng thấp, người cao tuổi, hội chứng tiền kinh nguyệt nó còn rất cần thiết. Điều quan trọng là bạn sử dụng đúng cách và mua được sản phẩm chất lượng và an toàn.

  • Vitamin B9

Việc thiếu acid folic là nguyên nhân gây ra các bệnh thiếu máu hồng cầu to, khiếm khuyết ống thần kinh bào thai và lú lẫn tinh thần. Khi cơ thể thiếu vitamin B9 có các triệu chứng: giảm trí nhớ, bị thiếu máu, suy nhược, da nứt… cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tim đập nhanh, dị tật bào thai, bệnh loãng xương, ung thư ruột và giảm bạch cầu, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.

Trong khi sử dụng folate từ các nguồn thực phẩm tự nhiên là hoàn toàn an toàn thì việc lạm dụng quá nhiều axit folic từ thực phẩm tăng cường hoặc viên uống bổ sung có thể che giấu sự thiếu hụt Vitamin B12 và cũng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.

  • Vitamin B12

Thiếu vitamin B12 dẫn đến thiếu cobalamin và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Thiếu hụt vitamin B12 cũng liên quan đến bệnh lý thần kinh tiểu đường. Ở những bệnh nhân tiểu đường sự thiếu hụt vitamin này có thể là do chính căn bệnh tiểu đường hay do việc sử dụng các thuốc điều trị đường huyết như metformin. Ở những bệnh nhân suy thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng là do sự thiếu hụt vitamin B12. Vì vậy việc bổ sung vitamin B12 là việc rất cần thiết đối với sức khỏe con người.