Bệnh thoái hóa khớp có thể xảy đến ở bất cứ khớp xương nào. Đặc biệt, các khớp phải thường xuyên cử động hoặc gánh trọng lượng lớn cho cơ thể. Thoái hóa khớp khiến người bệnh bị các cơn đau hành hạ, thậm chí mất khả năng lao động. Do vậy, hiểu đúng về thoái hóa khớp để chủ động phòng ngừa và điều trị sớm là rất quan trọng.
Thoái hóa khớp là gì ?
Thoái hóa khớp hay còn được biết đến với tên gọi viêm xương khớp (OA) là một trong những tình trạng viêm khớp mãn tính phổ biến nhất.
Thoái hóa khớp xảy ra khi lớp mô sụn bảo vệ các đầu xương bị tổn thương, khiến các đầu xương ma sát trực tiếp lên nhau, gây nên các cơn đau trong khớp. Xương dưới sụn bị tổn thương, xơ cứng và hình thành gai ở rìa xương. Điều này có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mô xung quanh như gân, dây chằng, các bó cơ và sụn chêm.
Tổn thương tại khớp cũng ảnh hưởng tới độ nhớt của dịch khớp, giảm khả năng bôi trơn khớp, dẫn tới khô cứng khớp, giảm khả năng vận động.
Có mấy loại thoái hóa khớp ?
Tùy theo nguyên nhân khởi phát, thoái hóa khớp được chia thành thoái hóa nguyên phát (tự phát) và thoái hóa thứ phát xảy ra do sự thay đổi môi trường sụn khớp.
Các loại thoái hóa khớp sẽ được đặt tên theo vị trí khớp bị thoái hóa, bao gồm:
- Thoái hóa khớp gối
- Thoái hóa khớp háng
- Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay
- Thoái hóa cột sống
- Thoái hóa bàn chân
- Thoái hóa cột sống cổ
- Thoái hóa gót chân

Nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp nguyên phát gây ra bởi quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Từ sau tuổi 30, sự tái tạo sụn khớp giảm đi trong khi quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn. Điều này dẫn tới sự bào mòn và phá hủy khớp, là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thoái hóa khớp. Vậy nên không có gì lạ phần lớn người ở tuổi 40 – 50 bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thoái hóa xương khớp.
Trong khi đó, dưới 40 tuổi thì phần lớn thoái hóa khớp là hậu quả sau các tai nạn hoặc chấn thương xương khớp như rách sụn, trật khớp, chấn thương dây chằng, viêm gân,… Thường xuyên lao động nặng hoặc một số nghề nghiệp đặc thù như vận động viên thể thao, diễn viên múa,… cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp.
Một số vấn đề sức khỏe khác dẫn đến bệnh thoái hóa khớp là bất thường khớp bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, bệnh nội tiết và thần kinh hoặc rối loạn làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn.
Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp như béo phì, lối sống không lành mạnh, tiền sử gia đình, giới tính,…
Dấu hiệu bệnh thoái hóa khớp
Tùy vị trí khớp bị thoái hóa, các biểu hiện của bệnh viêm xương khớp có thể hơi khác nhau, tuy nhiên đều có bắt đầu với các cơn đau. Ban đầu các cơn đau xuất hiện cường độ nhẹ, tăng khi khớp phải chịu lực và giảm dần khi được nghỉ ngơi. Dần dần, các cơn đau tăng, kéo dài liên tục.
Kèm với các cơn đau là sưng ở khớp do chất lỏng hoạt dịch tăng bất thường. Bên cạnh đó, các mảnh sụn bị vỡ cũng có thể trôi trong chất lỏng hoạt dịch, làm tăng đau và sưng.
Một dấu hiệu khác của thoái hóa xương khớp là cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc sau một khoảng thời gian không cử động. Cứng khớp thường không kéo dài quá 30 phút và sẽ giảm khi xoa bóp, cử động. Tuy nhiên, khi thoái hoá khớp tiến triển, vận động khớp sẽ trở nên hạn chế, xuất hiện đau và cảm giác lục khục, lạo xạo.
Các khớp bị thoái hóa cũng dần trở nên yếu, xô lệch, biến dạng, dễ bị chấn thương khi cử động. Ngoài ra, cũng xuất hiện sự co rút cơ bắp quá mức, các cơ dần yếu, xuất hiện gai xương.
Xem thêm: Đau khớp gối là triệu chứng của bệnh gì? Cần chẩn đoán sớm
Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp
Khi có nghi ngờ thoái hóa khớp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp X-quang. Các phim X-quang có thể cho thấy gai xương, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, hình thành nang dưới sụn, và tràn dịch khớp.

Ngoài chụp X-quang, bác sĩ có thể sử dụng chụp cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán viêm khớp. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân tích dịch khớp,… để loại trừ các tình trạng viêm khớp khác như viêm khớp dạng thấp, gout hoặc nhiễm trùng.
Bệnh thoái hóa khớp có chữa được không ? Phương pháp phòng tránh
Sụn khớp là cấu trúc vô mạch, không có thần kinh chi phối, và không có mạch bạch huyết, một khi khớp đã thoái hóa thì không thể trở lại trạng thái như ban đầu. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và kịp thời điều trị có thể hạn chế các tổn thương, ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.
Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp là giảm đau, duy trì tính linh hoạt, tối ưu hóa khớp và chức năng tổng thể. Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp bao gồm:
Điều trị bảo tồn và vật lý trị liệu
Các bài tập phục hồi chức năng có thể cải thiện sức mạnh khớp, duy trì sức bền và tầm vận động cũng như sự linh hoạt của khớp. Một số thiết bị, dụng cụ chuyên dụng cũng được sử dụng để giảm áp lực cơ thể lên các khớp.
Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống cũng cải thiện tình trạng bệnh thoái hóa khớp. Tập thể dục vừa sức giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp, đồng thời có thể giảm cứng khớp. Thái cực quyền và yoga có thể cải thiện tính linh hoạt của khớp và giúp kiểm soát cơn đau. Ngủ đủ giấc giúp các cơ bắp được nghỉ ngơi, có thời gian phục hồi, từ đó giảm sưng và viêm.
Can thiệp bằng y khoa
Một số loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa diễn biến thoái hóa xương khớp như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, corticoid, glucosamine,… Trong trường hợp nghiêm trọng, một số phẫu thuật khớp cũng sẽ được yêu cầu.
Thoái hóa khớp có nên đi bộ không ?
Nhiều người nghĩ rằng khi thoái hóa khớp cần tránh vận động. Thực tế, việc vận động vừa sức như đi bộ có thể cải thiện bệnh thoái hóa khớp ở mức độ nhẹ và vừa.
Không vận động trong thời gian dài khiến các cơ bị yếu, teo cơ, gây mất sức. Đi bộ giúp tăng sức bền cho các khớp, hỗ trợ giảm cứng khớp và ổn định cấu trúc khớp. Chúng cũng giúp tăng lưu thông máu đến các cơ quan, hỗ trợ quá trình tự chữa lành của cơ thể.
Tuy nhiên, người bị thoái hóa khớp khi đi bộ cần chú ý đến thời gian và tốc độ đi cho phù hợp với tình trạng bệnh. Người bị thoái hóa khớp nặng, nhất là các khớp gối, cổ chân, gót chân thì không nên đi bộ. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về cường độ cũng như những điều cần chú ý khi đi bộ để tránh phản tác dụng.

Phòng ngừa hiệu quả với viên uống bổ khớp
Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất sức lao động đồng thời gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh. Vậy nên phòng ngừa bệnh từ sớm là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh việc duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống điều độ và vận động vừa sức, sử dụng các viên uống bổ khớp cũng giúp hạn chế quá trình lão hóa, giảm đau và viêm tại khớp. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng các sản phẩm glucosamine sulfate với liều dùng 1500mg mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể các vấn đề về xương khớp.
Glucosamine sulfate một loại đường tự nhiên được phát hiện trong các mô đệm của khớp và xung quanh chất lỏng. Chúng cũng giúp tổng hợp nên các proteoglycan – là vật chất cơ bản tiền đề tạo cấu trúc và duy trì các mô cho cơ thể. Proteoglycan còn là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho khớp cũng như tạo ra dịch khớp.
Bổ sung glucosamine với lượng thích hợp sẽ giúp nuôi dưỡng sụn khỏe mạnh, hạn chế khô cứng khớp. Nhờ vậy, người dùng có thể cử động khớp thoải mái, phòng ngừa chấn thương gây thoái hóa khớp.
Glucosamine sulfate còn hỗ trợ sức khỏe xương khớp thông qua tác động giảm đau, chống viêm và duy trì không gian khớp. Chúng cũng tăng tốc độ phục hồi tổn thương xương khớp.
Dân văn phòng thường phải ngồi làm việc trong nhiều tiếng liên tục khiến khớp phải duy trì một tư thế trong thời gian dài. Người lao động nặng và vận động viên thể thao lại thường vận động khớp, dễ gặp tai nạn, chấn thương. Đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao, nên chú ý phòng ngừa bằng viên uống bổ khớp glucosamine sulfate. Glucosamine sulfate giúp giảm đau nhức sau một ngày dài, rút ngắn thời gian bình phục sau chấn thương. Chúng cũng giúp bổ sung dưỡng chất để hạn chế đau nhức và các tổn thương sụn khớp về sau.
Dù có nhiều hiệu quả với xương khớp như vậy nhưng các viên uống bổ sung glucosamine là thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng chứ không phải thuốc. Chúng không thể thay thế thuốc chữa bệnh và chế độ ăn hằng ngày. Hiệu quả các sản phẩm này phụ thuộc vào khả năng hấp thu của cơ thể từng người. Người dùng cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu đang mang thai, cho con bú, đang dùng các thuốc điều trị hoặc đang gặp phải các bệnh lý khác.