Thiếu hụt estrogen là một trong những vấn đề thường gặp của chị em phụ nữ. Hàm lượng nội tiết tố nữ suy giảm có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Estrogen là một trong những loại hormone thiết yếu đối với cơ thể, không chỉ liên quan đến hoạt động của cơ quan sinh sản mà còn có những tác dụng khác như:
- Duy trì khả năng đàn hồi của làn da.
- Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.
- Đảm bảo mật độ xương.
- Điều hòa quá trình sản sinh cholesterol từ gan.
Nồng độ estrogen thay đổi và không có mức cố định. Tuy nhiên, nếu lượng estrogen giảm quá mức, hàng loạt vấn đề sức khỏe sẽ phát sinh.
Vì sao bạn bị thiếu hụt estrogen?
Rất nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai mãn kinh mới gặp vấn đề thiếu hụt estrogen. Tuy nhiên, thực tế đây là vấn đề sức khỏe mà chị em phụ nữ mọi lứa tuổi đều có thể gặp phải. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự suy yếu hoặc những tổn thương của buồng trứng.
Theo thời gian, buồng trứng càng kém hoạt động và càng giảm tiết hormone nữ. Chính vì vậy, nồng độ estrogen giảm dần từ thời kỳ tiền mãn kinh và trở nên thiếu hụt khi phụ nữ bước sang giai đoạn mãn kinh.

Ngoài nguyên nhân trên, hormone nữ còn thiếu hụt vì:
- Những bệnh bẩm sinh như Hội chứng Turner.
- Suy dinh dưỡng.
- Rối loạn tuyến giáp.
- Tuyến yên kém hoạt động.
- Suy dinh dưỡng.
- Tập thể dục, thể thao quá mức.
- Từng tiếp nhận hóa trị.
- Vấn đề di truyền.
Biểu hiện của thiếu hụt estrogen
Tuy không dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm tính mạng, suy giảm estrogen có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe. Đó là bởi vì estrogen là hormone thiết yếu mà nếu bị thiếu hụt sẽ dẫn đến những biểu hiện sau:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Khô âm đạo, đau rát khi quan hệ.
- Loãng xương, xương yếu, dễ gãy và dễ viêm.
- Suy giảm trí nhớ.
- Thay đổi tính tình, nhạy cảm quá mức, hay lo âu, buồn phiền.
- Thay đổi mức cholesterol làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất là phụ nữ thiếu hụt estrogen có thể bị vô sinh. Estrogen cần cho quá trình rụng trứng và nếu nồng độ quá thấp thì phụ nữ khó có con một cách tự nhiên.

Thiếu hụt estrogen ảnh hưởng gì đến cơ thể?
Ngoài tác động đến chức năng cơ thể, nồng độ estrogen còn góp phần vào việc kiểm soát cân nặng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng estrogen là một trong những nội tiết tố có vai trò điều hòa lượng chất béo tích trữ dưới da và trong nội tạng. Chính vì thế, tình trạng nồng độ estrogen thấp là một trong những yếu tố dẫn đến:
- Tăng cân, thừa cân.
- Thay đổi vị trí tích trữ mỡ.
Thiếu estrogen có thể gây tăng cân nhưng không quá nghiêm trọng nếu bạn có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và rèn luyện thể chất thường xuyên.
Làm cách nào để biết đang thiếu hụt estrogen
Nếu nghi ngờ mình bị thiếu hụt estrogen, tốt nhất là nên đi khám khoa nội tiết. Bác sĩ sẽ thực hiện những chẩn đoán lâm sàng như:
- Kiểm tra tiền sử bệnh án của bệnh nhân và gia đình.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát.
- Kiểm tra các triệu chứng liên quan như rối loạn tuyến giáp hay suy tuyến yên.
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ estrogen. Ngoài ra, một số xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện để phát hiện những bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe khác có biểu hiện tương tự với suy giảm estrogen.
Cách khắc phục thiếu hụt nội tiết tố nữ
Estrogen thấp không phải là vấn đề sức khỏe cần được điều trị cấp bách, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vô sinh. Tùy nguyên nhân, bác sĩ có thể đưa ra những liệu pháp điều trị thích hợp.
1. Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Đây là giải pháp điều trị vấn đề suy giảm estrogen được lựa chọn phổ biến nhất. Đối tượng áp dụng của liệu pháp này là phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc đang trải qua các triệu chứng mãn kinh.
Có nhiều liệu trình được sử dụng, trong đó liệu pháp kết hợp estrogen và progesterone thường được chỉ định nhất vì hiệu quả mang lại. Hormone được bổ sung vào cơ thể bằng nhiều cách: bôi lên da, uống, tiêm hoặc đặt thuốc tại âm đạo. Bác sĩ chỉ định liều dùng khác nhau tùy vào thể trạng người điều trị.

Liệu pháp thay thế hormone có thể gây nên một số tác dụng phụ như nhức đầu, đầy hơi hay chảy máu âm đạo. Ngoài ra, những người có tiền sử bệnh như đau tim, đột quỵ hoặc tăng huyết áp không phù hợp với phương pháp điều trị này.
2. Liệu pháp estrogen
Đây là liệu pháp dùng để khắc phục tình trạng thiếu estrogen dành cho những đối tượng đã thực hiện cắt bỏ buồng trứng. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định liệu pháp này để hỗ trợ chị em khắc phục những dấu hiệu mãn kinh khó chịu.
3. Một số biện pháp khắc phục tại nhà
Nồng độ estrogen giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng cân ngoài mong muốn của của chị em phụ nữ. Để khắc phục, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chị em cũng nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng và kế hoạch tập luyện để duy trì vóc dáng cân đối.
- Duy trì cân nặng
Nồng độ estrogen chỉ là một yếu tố tác động đến cân nặng. Để không bị mất kiểm soát cân nặng cũng như lượng mỡ cơ thể, bạn cũng cần kết hợp với một chế độ ăn uống cân bằng: đủ chất đạm, chất xơ, khoáng chất, không ăn quá nhiều tinh bột và hạn chế chất béo có hại. Có như vậy, bạn mới có thể duy trì vóc dáng lý tưởng và ngăn ngừa những vấn đề sức khỏe gây nên do thừa cân.
- Tập thể dục thể thao
Ngoài chế độ ăn uống, chế độ tập luyện cũng là điều bạn cần quan tâm nếu muốn giảm mỡ thừa. Nên duy trì một cường độ và tần suất tập thể dục, thể thao vừa phải để đốt cháy mỡ thừa, tăng cường sức mạnh cơ xương và duy trì vóc dáng.
Tuy nhiên, tập luyện quá mức cũng là một trong những tác nhân ức chế quá trình sản sinh hormone estrogen. Do đó, chị em nên duy trì một cường độ tập luyện vừa đủ để tránh tình trạng thiếu hụt estrogen.
- Bổ sung estrogen tự nhiên từ đậu nành
Đến thời điểm hiện tại, phương pháp bổ sung estrogen một cách tự nhiên vẫn chưa được chứng thực bởi các nhà nghiên cứu. Trong đó, khả năng cải thiện nồng độ estrogen của đậu nành vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng các nhà khoa học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng isoflavone trong mầm đậu nành có khả năng xoa dịu các biểu hiện của thiếu hụt estrogen.

Isoflavone thuộc nhóm chất phytoestrogen (estrogen có nguồn gốc thực vật) được tìm thấy trong các cây họ đậu. Nhóm chất phytoestrogen có những hoạt tính tương tự như estrogen và có tác động tích cực đối với những ai gặp vấn đề suy giảm nội tiết tố nữ.
Đậu nành là loại thực phẩm giàu isoflavone. Trong 1g protein đậu nành, có thể tìm thấy 2-4 mg isoflavone. Ngoài ra, đậu nành còn giàu chất đạm chất xơ và chất béo không bão hòa đa.
Phytoestrogen đậu nành được chứng minh giúp giảm nguy cơ loãng xương và suy giảm trí nhớ. Tiêu thụ đậu nành mức vừa phải mang đến lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu muốn tăng lượng đậu nành sử dụng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì biện pháp này tiềm ẩn tác dụng phụ đối với một số nhóm đối tượng.
Nồng độ estrogen giảm dần theo tuổi tác hoặc thiếu hụt estrogen do bệnh lý có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu nhận thấy những dấu hiệu của suy giảm estrogen, chị em nên đi khám nội tiết để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất.
Xem thêm: Viên uống cân bằng nội tiết tố nữ Bảo Xuân có tốt không?