Vitamin B12 là gì?
Vitamin B12 (Cobalamin) là một loại vitamin tan trong nước có nguồn gốc từ các sản phẩm động vật như thịt đỏ, hải sản, sữa và trứng.
Sau khi được hấp thụ, vitamin B12 được sử dụng làm đồng yếu tố cho các enzyme có liên quan đến quá trình tổng hợp DNA, axit béo và tạo bao myelin cho dây thần kinh. Kết quả là, thiếu B12 có thể dẫn đến các triệu chứng về huyết học và thần kinh.

Liều lượng B12 tiêu thụ mỗi ngày được khuyến nghị như sau:
- Trẻ 0 – 6 tháng tuổi: 0,4 mcg
- Trẻ 7 – 12 tháng tuổi: 0,5 mcg
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 0,9 mcg
- Trẻ 4 – 8 tuổi: 1,2 mcg
- Trẻ 9 – 13 tuổi: 1,8 mcg
- Trên 14 tuổi: 2,4 mcg
- Phụ nữ đang mang thai: 2,6 mcg
- Phụ nữ đang cho con bú: 2,8 mcg
Điều gì xảy ra khi thiếu vitamin B12?
Một lượng B12 dư có thể được lưu trữ trong gan. Tuy nhiên, trong trường hợp vitamin B12 không thể được hấp thụ trong một thời gian dài, cơ thể có thể bị thiếu vitamin B12, từ đó dẫn đến các vấn đề về huyết học và thần kinh.
Nguyên nhân nào dẫn đến thiếu vitamin B12?
- Tự miễn dịch: Thiếu máu ác tính là một tình trạng tự miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất ra IF (một protein được sản xuất ra từ các tế bào bên trong dạ dà ở dạ dày). Nếu những tế bào này bị phá hủy, cơ thể sẽ không thể tạo ra IF và do đó, không thể hấp thu vitamin B12 được.
- Hấp thu kém: Các tế bào thành phần trong dạ dày sản sinh ra yếu tố nội tại; do đó, bất kỳ bệnh nhân nào có tiền sử phẫu thuật cắt dạ dày đều có thể có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 vì thức ăn không đi qua vị trí sản xuất yếu tố nội tại. Ở những bệnh nhân sản xuất yếu tố nội tại bình thường, bất kỳ tổn thương nào ở hồi tràng cuối, chẳng hạn như phẫu thuật cắt bỏ do bệnh Crohn, sẽ làm giảm sự hấp thu vitamin B12 và dẫn đến thiếu hụt. Các tổn thương khác đối với ruột non, chẳng hạn như viêm do bệnh Celiac hoặc nhiễm trùng sán dây Diphyllobothrium latum, cũng có thể dẫn đến thiếu vitamin B12.
- Chế độ ăn uống không đủ chất: Những bệnh nhân tuân theo chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt trong khoảng ba năm có thể bị thiếu B12 do thiếu chế độ ăn uống. Ngoài ra, phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú có nhu cầu vitamin B12 cao hơn so với người bình thường cũng dễ gặp phải tình trạng thiếu vitamin B12.
Triệu chứng thiếu vitamin B12
Da vàng, nhợt nhạt, thiếu sức sống
Vitamin B12 đóng vai trò thiết yếu trong việc sản xuất DNA cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu. Thiếu vitamin B12 dẫn đến một chứng thiếu máu gọi là megaloblastic mà ở đó các tế bào hồng cầu sản xuất trong tủy xương rất lớn và dễ vỡ.
Những tế bào hồng cầu này quá lớn để đi ra khỏi tủy xương để vào vòng tuần hoàn máu. Việc không có nhiều tế bào hồng cầu khiến da nhạt màu, thiếu sức sống.

Các tế bào hồng cầu này cũng rất mong manh, dễ vỡ, dẫn đến sự dư thừa của bilirubin – một chất có màu hơi đỏ hoặc nâu nhạt, được gan sản xuất khi phá vỡ các tế bào máu cũ. Quá nhiều bilirubin sẽ làm da và mắt bị sạm vàng.
Cơ thể trở nên yếu, mệt mỏi
Khi thiếu vitamin B12, cơ thể không thể sản xuất đủ các tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, từ đó khiến các chi không có đủ năng lượng, yếu và nhanh mệt.
Tê bì tay chân
Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất myelin, chất cách ly các dây thần kinh của bạn và rất quan trọng đối với chức năng hệ thống thần kinh. Vì thế, thiếu vitamin B12 dài hạn có thể dẫn đến các tổn thương thần kinh như dị cảm, có cảm giác như bị kim chích ở đầu ngón tay, chân.
Ảnh hưởng đến khả năng di chuyển
Nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng và sự phối hợp của các chi, khiến bạn dễ té ngã.
Viêm lưỡi, loét miệng
Thiếu vitamin B12 cũng gây ra tình trạng viêm lưỡi: lưỡi bị đỏ, sưng, đau, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống. Một số người cũng bị loét miệng.
Khó thở, chóng mặt
Do thiếu hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, khi bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, bạn có thể cảm thấy khó thở, chóng mặt, đặc biệt khi gắng sức.
Mờ mắt, rối loạn thị lực
Tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12 không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, khiến mắt mờ, tầm nhìn xa bị hạn chế, suy giảm thị lực. Trong nhiều trường hợp, các tổn thương này không thể phục hồi dù đã bổ sung đủ vitamin B12 nên việc phát hiện sớm và kịp thời điều trị rất quan trọng.

Thay đổi tâm trạng
Một số người thiếu vitamin B12 có thể có dấu hiệu tâm trạng chán nản, trầm cảm hoặc các tình trạng đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng não, chẳng hạn như chứng mất trí.
Biến chứng của thiếu vitamin B12
Một điều nguy hiểm của thiếu hụt vitamin B12 với cơ thể ở chỗ chúng có thể là kết quả một quá trình tích lũy sau nhiều năm. Các triệu chứng của chúng cũng khá giống một số bệnh lý khác nên khó nhận ra. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu vitamin B12 có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm khác:
- Suy tim do thiếu máu
- Tổn thương thần kinh nghiêm trọng không thể phục hồi
- Nguy cơ ung thư dạ dày
- Nguy cơ phát triển một số bệnh lý rối loạn tự miễn như bệnh tiểu đường loại 1, nhược cơ, bệnh Hashimoto hoặc viêm khớp dạng thấp.
Thừa vitamin B12 tác động đến cơ thể như thế nào?
Vì B12 là vitamin tan trong nước, cơ thể loại bỏ gần như tất cả lượng không dùng đến qua đường bài tiết nên nó thường được coi là an toàn, ngay cả khi dùng liều cao.
Viện Y học Hoa Kỳ cũng không thiết lập mức UL (mức tiêu thụ tối đa mà không gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe) cho vitamin B12 do mức độc tính thấp.
Tuy nhiên, việc bổ sung B12 ở mức quá cao có liên quan đến một số tác dụng phụ tiêu cực.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng vitamin B12 với liều quá cao có thể dẫn đến mụn trứng cá, phát ban đỏ và nổi mủ trên mặt. Cũng cần lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu này tập trung vào tiêm liều cao hơn là bổ sung bằng đường uống.
Một số bằng chứng cũng cho thấy rằng B12 liều cao có thể dẫn đến kết quả sức khỏe tiêu cực ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận.
Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh thận đái tháo đường (mất chức năng thận do bệnh tiểu đường) bị suy giảm chức năng thận nhanh hơn khi được bổ sung vitamin B liều cao, bao gồm 1mg vitamin B12 mỗi ngày.
Một nghiên cứu khác ở phụ nữ mang thai cho thấy mức bổ sung vitamin B12 cực cao làm tăng nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ ở con cái.
Mặc dù có bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin B12 có thể gây ra kết quả tiêu cực về sức khỏe, nhưng các nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung đường uống hàng ngày lên đến 2 mg (2.000 mcg) là an toàn và hiệu quả trong điều trị thiếu vitamin B12. Người dùng không nên tự ý bổ sung vitamin B12 mà nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi dùng để tránh các tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý là nếu bổ sung vitamin B12 qua đường tiêm thì phải tiêm vào bắp chứ không tiêm tĩnh mạch, đồng thời, quá trình này nên được thực hiện bởi các chuyên viên y tế.