Magnesium B6 là thuốc gì? Thuốc magnesium B6 có tác dụng gì?

Magnesium B6 là thuốc gì?

Như tên gọi, Magnesium B6 thuộc nhóm thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp cung cấp Magnesium và  vitamin B6 cho cơ thể. Trong đó:

Magnesium đóng vai trò vô cùng quan trọng và phổ biến trong cơ thể. Đây là 1 trong 24 loại vitamin và khoáng chất thiết yếu. Magnesium giúp bảo vệ sức khỏe, trao đổi chất, ổn định tâm trạng, kiểm soát căng thẳng, thúc đẩy giấc ngủ tốt hơn và đóng góp cho sức khỏe của tim và xương thông qua tác động kích hoạt chức năng các enzyme, cụ thể:

  • Đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng, kích hoạt ATP, phân tử năng lượng cung cấp năng lượng cho các tế bào của cơ thể bạn.
  • Điều chỉnh sự vận chuyển canxi, kali và các khoáng chất thiết yếu khác, giúp cơ bắp và dây thần kinh hoạt động bình thường và duy trì nhịp tim.
  • Điều hòa huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
  • Giúp phát triển xương và bảo vệ chống mất các tế bào xương.
  • Giữ chức năng như một chất điện giải, duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể của bạn.
  • Giúp kiểm soát hệ thống phản ứng căng thẳng của cơ thể và các hoóc môn làm tăng hoặc giảm căng thẳng.

Pyridoxine, hay còn được biết đến với tên thông dụng là vitamin B6, là một trong tám vitamin nhóm B. Nó giúp cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng, chuyển hóa chất béo và protein, duy trì hoạt động bình thường của các dây thần kinh và tạo ra các tế bào hồng cầu.

Magnesium B6 có tác dụng gì?

Thường thấy nhất, thuốc Magnesium B6 được dùng để bổ sung Magnesium và vitamin B6 cho những người bị thiếu các dưỡng chất này. Tùy theo hàm lượng Magnesium và vitamin B6 trong công thức thuốc, chúng có thể giúp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị các trường hợp sau:

  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Giảm căng thẳng thần kinh cũng như ổn định tâm trạng, giảm các triệu chứng bệnh trầm cảm.
  • Duy trì sức khỏe xương.
  • Điều chỉnh chức năng cơ bắp trên toàn cơ thể, bao gồm cả cơ tim. Cũng nhờ khả năng này, các viên uống bổ sung Magnesium và B6 có thể hỗ trợ một số bệnh về tim mạch như chứng loạn nhịp tim, đau thắt ngực, bệnh động mạch vành, hở van tim,…
  • Điều hòa huyết áp và cholesterol trong máu, từ đó hỗ trợ điều trị tiểu đường và tim mạch.
  • Cải thiện hiệu suất tập luyện do Magnesium trong các thuốc này đóng vai trò chính trong sức khỏe cơ bắp và sản xuất năng lượng. Do vậy, uống thuốc Magnesium B6 có thể làm giảm phản ứng căng thẳng khi gắng sức cũng như tăng hồng cầu và huyết sắc tố ở các vận động viên.
  • Giảm co giật ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, thuốc Magnesium B6 còn được dùng để điều trị nhiễm độc isoniazid hoặc cycloserid (thuốc kháng lao).

Liều dùng Magnesium B6

Với các công thức, định lượng thành phần khác nhau, thuốc Magnesium B6 sẽ có liều dùng khác nhau phụ thuộc vào tình trạng cơ thể cũng như mục đích sử dụng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và đọc kỹ thông tin thành phần sản phẩm thuốc bạn dùng để đạt hiệu quả cao nhất đồng thời tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn.

  • Uống thuốc với một ngụm nước lớn, tuyệt đối không cắn, nhai hoặc bẻ thuốc.
  • Đọc kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. 
  • Nên uống Magnesium B6 vào những khung giờ cố định trong ngày. Nếu bạn bỏ lỡ một liều Magnesium B6, hãy uống ngay khi nhớ ra.
  • Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch trình dùng thuốc thường xuyên. Bạn không nên tăng gấp đôi liều lượng để bù cho một lần bỏ lỡ.
  • Hạn chế tối đa dùng hai hoặc nhiều loại thuốc có thành phần tương tự nhau để tránh bị quá liều, dẫn đến ngộ độc thuốc.

Những đối tượng sau nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Magnesium B6:

  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
  • Người bị rối loạn chảy máu
  • Người mắc bệnh tim
  • Người có vấn đề về thận

Chống chỉ định Magnesium B6 cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Tác dụng phụ

Magnesium B6 có thể được dung nạp dễ dàng bởi người lớn, tuy nhiên đôi khi cũng có một số tác dụng phụ xảy ra, như đầy hơi, tiêu chảy, đau dạ dày, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, đau đầu, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, kích ứng da nhẹ (đỏ, ngứa, rát, có cảm giác như kim châm ở đầu ngón tay, chân).

Thường các tác dụng phụ này sẽ dần biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu các phản ứng này vẫn tiếp diễn hoặc có xu hướng tăng lên, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức để được giúp đỡ.

Ở liều cao, Magnesium có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm: huyết áp thấp, nhịp tim không đều, rối loạn thần kinh, mất cảm giác ở chân, thay đổi nhịp thở, hôn mê và thậm chí tử vong.

Mức tiêu thụ hàng ngày được đề nghị (RDA) cho vitamin B6 tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của bạn, dao động từ 0,1mg cho trẻ 6 tháng tuổi, 1,5mg cho phụ nữ trên 50 tuổi và 1,7mg cho nam giới trên 50 tuổi. Khi mang thai, RDA được khuyến nghị cho phụ nữ là 1,9mg và 2mg trong thời kỳ cho con bú.

Bạn không nên dung nạp nhiều hơn 100mg vitamin B6 trong một ngày khi không có chỉ định của bác sĩ. Liều rất lớn vitamin B6 có thể gây tổn thương thần kinh hoặc các rối loạn thần kinh khác. Quá liều vitamin B6 còn có thể gây nhạy cảm với ánh sáng.

Trong khi đó, liều khuyến cáo đối với Magnesium dao động từ 200 – 400mg/ ngày tùy theo thương hiệu sản xuất.

Tương tác thuốc

Hãy báo với bác sĩ của bạn tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bạn đang dùng vì thành phần Magnesium và vitamin B6 trong thuốc Magnesium B6 có thể tương tác với chúng gây ra tác dụng phụ hoặc làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể. 

Dưới đây là một số thuốc tương tác của Magnesium B6 thường gặp:

  • Levodopa (Larodopa, Sinemet )
  • Phenobarbital
  • Kháng sinh
  • Thuốc hóa trị
  • Thuốc chống trầm cảm, bao gồm nortriptyline (Pam Bachelor), amitriptyline (Elavil), desipramine (Norpramin) và imipramine (Tofranil)
  • Các chất ức chế monoamin oxydase (MAOIs), bao gồm phenelzine (Nardil) và tranylcypromine (Parnate)
  • Phenytoin (Dilantin)
  • Theophylline (Theo-Dur)
  • Hydralazine (Apresoline)
  • Isoniazid
  • Penicillamine
  • Cycloserine (Seromycin)
  • Erythropoietin (EPO)
  • Amiodarone (Cordarone)

Ngoài ra, Magnesium B6 cũng tương tác với một số vitamin, khoáng chất và thực phẩm khác:

  • Boron. Bổ sung Boron có thể làm chậm quá trình xử lý magnesium trong cơ thể và có thể làm tăng nồng độ magnesium trong máu.
  • Canxi. Canxi liều rất cao có thể làm giảm lượng magnesium mà cơ thể hấp thụ. Những người có nguy cơ thiếu magnesium đáng kể nên nói chuyện với bác sĩ về liều cho cả hai chất bổ sung và về thời gian dùng các chất bổ sung này.
  • Vitamin D. Vitamin D có thể làm tăng lượng magnesium mà cơ thể hấp thụ, nhất là khi dùng vitamin D ở liều cao.
  • Kẽm. Ở liều cao, kẽm có thể làm giảm lượng magnesium mà cơ thể hấp thụ. Có một số bằng chứng chỉ ra rằng hàm lượng kẽm trong chế độ ăn uống cao có thể làm tăng mất magnesium ở phụ nữ mãn kinh.

Bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp; không bảo quản trong phòng tắm hoặc ngăn đá.

Để xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không dùng sản phẩm đã hết hạn sử dụng, có dấu hiệu ẩm mốc.