Tìm hiểu về các loại da và cách chăm sóc từng loại

Image

Làn da có tầm quan trọng với ngoại hình và sức khỏe của con người. Vì vậy, thói quen chăm sóc làn da là thực sự cần thiết. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải hiểu rõ da mình thuộc loại nào và nên dùng sản phẩm nào để chăm sóc. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vấn đề trên nhé!

Tổng quan về da

Bộ phận lớn nhất của cơ thể con người chính là da. Nó chiếm tới gần 16% cân nặng, được coi như một lớp áo bảo vệ cho cơ thể nên đây là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường. 

Cấu trúc của da 

Cấu tạo da ở cơ thể người gồm có 3 tầng: Biểu bì, trung bì và hạ bì. Trong mỗi tầng da này lại có các lớp khác nhau. Ngoài ra, tuyến mồ hôi, tuyến dầu, các nang lông cũng có nhiệm vụ riêng tạo nên chức năng của làn da.

Biểu bì chính là lớp phía bên ngoài mà chúng ta nhìn thấy và chạm vào nó hằng ngày. Chúng bảo vệ cơ thể khỏi các tác hại của khỏi bụi, chất độc,… Biểu bì có nhiều lớp tế bào: 

  • Lớp sừng: Đây là lớp nằm ở phía ngoài của tầng biểu bì. Thông thường, các tế bào ở lớp này sẽ liên tục bị chết đi và lại được sản sinh từ lớp phía bên trong. Đây chính là vị trí của tuyến dầu nhờn và mồ hôi.
  • Lớp gai: Đây là nơi tế bào keratinocytes bắt đầu sản sinh các sợi protein. Lớp này cũng chính là lớp dày nhất của tầng biểu bì.
  • Lớp hạt: Khi các tế bào sản xuất ra hạt, chúng di chuyển lên lớp trên, sau đó biến thể thành chất sừng. Đó chính là quá trình sừng hóa.
  • Lớp bóng: Lớp da này chỉ hình thành ở lòng bàn tay, bàn chân. Lớp bóng thường không có lông, tuyến bã nhờn.
  • Lớp đáy: Đây chính là lớp nằm phía dưới cùng của tầng biểu bì. Tại lớp này, các tế bào được sản xuất liên tục. 
cau truc da

Trung bì ở ngay sau tầng biểu bì. So với tầng trước thì trung bì có cấu trúc “gọn nhẹ” hơn, gồm lớp lưới và lớp nhú.

  • Lớp lưới được hình thành bởi các bó sợi (elastin, collagen). Ngoài ra, lớp này cũng có tuyến bã nhờn, mạch máu và các nang lông. 
  • Lớp nhú này khá mỏng, vì vậy nó chỉ tồn tại ở một vài vùng da trên cơ thể.

Hạ bì là tầng dưới cùng của da. Nó có cấu tạo từ các mô liên kết và sợi đàn hồi. Điều này làm cho da có độ mềm, khỏe mạnh và linh hoạt. 

Theo các bác sĩ da liễu thì phần lớn tầng hạ bì là mỡ. Tầng này có độ dày tùy thuộc vào vùng da trên cơ thể, giới tính và cả độ tuổi. Tuy nhiên, ngoài mỡ thì hạ bì còn chứa mạch máu, dây thần kinh,…

Chức năng của da

Làn da được coi là một tấm áo giáp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân (bụi bẩn, tia cực tím…) gây ảnh hưởng tới nội tạng, mạch máu và hệ thần kinh. Hơn nữa, nó còn có khả năng duy trì và kiểm soát độ ẩm của cơ thể. 

Để não bộ nhận biết được đau đớn, nóng, lạnh thì da đang hoạt động chức năng tiếp nhận cảm giác của nó. Nhờ chức năng này mà con người mới có thể thích ứng được với mọi hoàn cảnh. Nhưng, các tổn thương nặng như bỏng có thể làm giảm hoặc mất hiệu quả của chức năng cảm giác. 

Như đã nói ở trên, tầng biểu bì và hạ bì của da đều có chứa tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Do vậy, da có chức năng điều hòa nhiệt độ và bài tiết độc tố của cơ thể thông qua sự hoạt động liên tục của hai tuyến này. Ngoài ra, chất thải của cơ thể còn được phóng thích qua các lỗ chân lông. 

Theo các chuyên gia, phơi nắng khoảng từ 7-9h sáng để hấp thụ vitamin D tốt cho xương. Và da chính là nơi tiếp nhận, tổng hợp và cung cấp lượng lớn loại vitamin này cho cơ thể từ việc sản sinh Cholecalciferol ở tầng biểu bì.

Ngoài ra, da còn làm việc như một chuông báo động tình trạng bệnh lý của cơ thể. Chẳng hạn như viêm gan khiến da ngả vàng, giun sán hoành hành làm xuất hiện vết sẩn ngứa,…

Mặc dù có chung cấu tạo và chức năng nhưng da lại được phân chia thành 5 loại. Mỗi loại có những tính chất khác nhau. Để tìm hiểu về các loại da, bạn đọc hãy theo dõi phần tiếp theo đây.  

Phân loại da

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để phân chia các loại da cần xác định mức độ ẩm và hoạt động của tuyến bã nhờn. Các chuyên gia đã phân loại da như sau:

Da thường

Đây là loại da lý tưởng nhất. Bởi nó cân bằng được lượng nước và dầu tiết ra từ tuyến bã nhờn. Có thể nói, da thường là loại da mà ai cũng mong được sở hữu. 

Những người có làn da thường có lỗ chân lông rất nhỏ. Vì vậy, bụi bẩn khó có thể xâm nhập và gây mụn. Ngoài ra, màu da thường khá hồng hào, sờ vào có cảm giác rất mịn màng.

da thuong

Cách chăm sóc da thường cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần làm sạch da hàng ngày và sử dụng thêm các sản phẩm duy trì độ ẩm. Loại da thường rất khỏe, do vậy khả năng kích ứng với mỹ phẩm cũng khá thấp.

Da khô

Những người có làn da khô cũng có lỗ chân lông nhỏ, đa phần mụn xuất hiện là mụn đầu đen hoặc mụn thịt. Da khô là loại da có độ ẩm và lượng nước thấp hơn bình thường. Do vậy, khi chạm vào có cảm giác khô ráp. Đặc biệt, khi trời chuyển lạnh, nhiệt độ thấp khiến da khô bị căng, bong tróc, nứt nẻ do thiếu ẩm và nước.

Để cải thiện tình trạng này, những người có làn da khô cần tạo môi trường ẩm riêng của nó. Vì vậy, bạn cần thường xuyên chăm sóc da bằng những mỹ phẩm dưỡng ẩm và cấp nước. Việc uống đủ nước cũng góp phần giúp da mềm và mịn màng hơn.

Da dầu

Da dầu là loại da dễ bắt gặp nhất. Ở da dầu, tuyến bã nhờn làm việc quá mức gây ra tình trạng bóng dầu tích tụ trên mặt (đặc biệt là trán và mũi). Điều này khiến da dầu dễ nổi mụn triền miên, đặc biệt mụn sưng viêm rất lâu lành. Ngoài ra, lỗ chân lông ở da dầu cũng khá to. 

Chăm sóc da dầu khá phức tạp. Đầu tiên là việc làm sạch da. Người sở hữu làn da dầu cần lựa chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, có chứa chất kháng viêm (tràm trà). Sau đó, có thể bổ sung nước hoa hồng để cân bằng độ pH. Các loại kem trị mụn cũng cần được sử dụng thường xuyên rồi mới đến các sản phẩm phục hồi.

da dau

Bên cạnh đó, việc hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và các mỹ phẩm kiềm dầu cũng giúp giảm mụn trên da. Đặc biệt, những chị em có làn da dầu cần giữ tinh thần luôn vui tươi, thoải mái bởi căng thẳng cũng chính là nguyên nhân khiến mụn mọc nhiều hơn đấy nhé!

Da hỗn hợp

Đây là làn da có sự kết hợp giữa da khô và da dầu. Da hỗn hợp chủ yếu chỉ đổ dầu ở vùng chữ T (trán, cằm, mũi) còn hai bên má thì khá khô. Chính điều này khiến cho phần cánh mũi có nhiều tuyến bã nhờn và nổi mụn còn vùng má thì ít dầu và nước.

Chăm sóc da hỗn hợp cần chú trọng đến việc làm sạch vùng chữ T và cấp nước cho vùng má. Ngoài ra, việc đắp mặt nạ là một cách hiệu quả giúp cải thiện tình trạng này. Một số mặt nạ có chứa tinh chất vitamin E, lô hội hay dưa leo rất tốt cho làn da hỗn hợp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên đắp mặt nạ 2 lần/tuần và 15 phút mỗi lần để tránh bị hút ẩm ngược nhé!

Da nhạy cảm

Đúng như cái tên của nó, da nhạy cảm rất dễ bị dị ứng, kích thích bởi nhiều yếu tố (môi trường, mỹ phẩm). Tùy từng đối tượng mà da nhạy cảm có thể thiên khô hoặc rất nhiều dầu. Với đặc tính dễ bị ửng đỏ khi tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc ánh nắng nên người có làn da nhạy cảm luôn có cảm giác châm chích.

da nhay cam

Cách chăm sóc da nhạy cảm cũng khá khó khăn. Vì da mỏng manh lại dễ kích ứng nên bạn cần lựa chọn các mỹ phẩm dưỡng da dịu nhẹ nhất. Bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa hương liệu, cồn, paraben gây ngứa và mẩn đỏ. 

Có thể bạn quan tâm:

Cách nhận biết các loại da

Để xác định những vấn đề về da và chăm sóc da đúng cách, trước tiên bạn cần xác định mình sở hữu loại da nào. Dưới đây là cách nhận biết các loại da trên mà bạn có thể áp dụng.

Nhận biết da thường

Đầu tiên, với da thường thì bạn có thể dùng tay để cảm nhận được độ mịn, không nhờn cũng không khô. Đặc biệt là da trước và sau khi rửa mặt không có sự khác biệt đáng kể. Để xác định chính xác hơn, bạn hãy dùng giấy thấm dầu. Trường hợp giấy sau khi thấm không có quá nhiều dầu thì bạn có làn da thường.

Nhận biết da khô

Để nhận biết da khô, bạn dùng tay sờ lên bề mặt da. Nếu có chút sần sùi, bong tróc và luôn có cảm giác căng thì chắc chắn bạn đang sở hữu làn da này. Bên cạnh đó, bạn có thể cảm nhận được khi bôi các loại kem dưỡng ẩm và cấp nước thì da khô thấm hút rất nhanh chóng. 

nhan biet da kho

Nhận biết da dầu

Đối với da dầu, bạn có thể dễ dàng nhận biết qua thị giác bởi những người có làn da dầu luôn trong tình trạng bóng nhờn khắp mặt. Bạn cũng có thể nhận biết qua giấy thấm dầu. Thông thường, bạn phải dùng tới 2-3 tờ mới lấy bớt được lượng dầu trên mặt. Ngoài ra thì việc liên tục nổi mụn sưng, viêm quanh má, cằm cũng giúp khẳng định bạn đang sở hữu làn da dầu.

Nhận biết da hỗn hợp

Đối với da hỗn hợp, bạn hãy để ý tới lượng dầu trên da vào khoảng giữa ngày bởi vùng chữ T đổ nhiều dầu khiến vùng này bóng nhẫy còn hai má lại khô ráo. Ngoài ra, da hỗn hợp còn chia thành 2 loại là thiên khô và thiên dầu. Để kiểm tra, bạn dùng 2 tờ giấy thấm dầu. Một tờ thấm lượng dầu ở vùng chữ T, tờ còn lại thấm vùng má. Sau đó so sánh 2 tờ này, nếu tờ ở vùng chữ T đổ nhiều dầu, tờ còn lại không đáng kể thì bạn đang sở hữu da hỗn hợp.

da hon hop

Nhận biết da nhạy cảm

Cuối cùng, với làn da nhạy cảm, bạn có thể xác định bằng mắt thường. Da nhạy cảm rất mỏng, bạn có thể nhìn thấy cả những mạch máu phía dưới lớp da. Ngoài ra, khi ra nắng, da nhạy cảm thường dễ bị rát, mẩn đỏ và ngứa. Bên cạnh đó, các tác nhân gián tiếp từ môi trường, nguồn nước cũng khiến da bị dị ứng. 

Nhìn chung, bài viết trên đây đã tổng hợp các thông tin cơ bản về các loại da. Để xác định chính xác hơn, bạn hãy đến bệnh viện soi da và nhận tư vấn cách chăm sóc phù hợp nhé! Chúc các bạn luôn sở hữu làn da khỏe đẹp. 

Xem thêm: Các bước chăm sóc da cơ bản sáng – tối để da luôn mịn màng.